Thi bằng lái xe ô tô 2020: học phí 30 triệu, 600 câu hỏi.
24/02/2020
Sẽ có 100 câu điểm liệt mà tất cả học viên cần đặc biệt lưu ý, bởi chỉ cần trả lời sai 1 trong số 100 câu nói trên thì thí sinh sẽ bị trượt ngay lập tức.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 38/2019/TT-BGVT, quy định việc đào tạo, sát hạch bằng lái xe các hạng tại Việt Nam.
Điều đáng chú ý là mức học phí đào tạo lái xe ô tô thay đổi cùng với đó là một loạt các yêu cầu với người đăng ký thi lấy bằng.
Việc thi lấy bằng lái xe trong năm 2020 sẽ có nhiều thay đổi (Ảnh minh họa: VOH)
Học phí tăng gấp đôi, cấp mã QR chống bằng giả
Cụ thể, kể từ ngày 1/5/2020, mức học phí đào tạo lái xe tô sẽ tăng lên gấp đôi, kèm theo đó là sự thay đổi của nhiều quy định khác. Mỗi học viên sẽ phải tham gia 100 giờ học, bao gồm các nội dung học cũ, cùng với đó là phần mới về đạo đức lái xe và sửa chữa xe cơ bản. Đối với học viên thi bằng B2, mức lệ phí phải đóng sẽ tăng gấp đôi so với trước đây, nghĩa là từ 15 triệu đồng lên thành 30 triệu.
Mức học phí với bằng B2 sẽ tăng gấp đôi từ 15 triệu lên 30 triệu đồng (Ảnh minh họa: Thanh Niên)
Ngoài ra, kể từ ngày 1/6/2020, mỗi Giấy phép lái xe khi cấp cho học viên đạt yêu cầu sẽ có một mã QR riêng kèm theo. Điều này giúp cho cơ quan chức năng dễ dàng nhận biết được cơ sở, trung tâm cấp bằng, hạn chế tình trạng mua, làm giả bằng lái xe ô tô để lưu thông trên đường.
Mỗi GPLX được cấp mới sẽ có mã QR để tránh tình trạng làm giả bằng (Ảnh minh họa: Internet)
Trả lời sai 1 câu cũng có thể trượt
Nội dung học và thi cũng là điểm được đề cập tới trong thông tư của Bộ GTVT. Cụ thể, với hệ thống câu hỏi lý thuyết, số lượng các câu hỏi kiểm tra kiến thức của học viên sẽ tăng từ 450 lên 600 câu. Trong đó, sẽ có 100 câu điểm liệt mà tất cả học viên cần đặc biệt lưu ý, bởi chỉ cần trả lời sai 1 trong số 100 câu nói trên thì thí sinh sẽ bị trượt ngay lập tức.
Chỉ cần trả lời sai 1 câu, thí sinh cũng có thể bị trượt trong kỳ thi sát hạch (Ảnh minh họa: VNExpress)
Chương trình lý thuyết cũng sẽ được bổ sung thêm các nội dung mới, đồng thời giữ nguyên thời lượng của từng môn. Bên cạnh đó, môn "Đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông" được đổi tên thành "Đạo đức, văn hóa giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông".
Chương trình lý thuyết được bổ sung thêm một số nội dung (Ảnh minh họa: Báo Giao thông)
Ngoài ra, các cơ sở đào tạo lái xe được yêu cầu phải trang bị hệ thống camera giám sát, chấm vân tay cho học viên. Điều này nhằm đảm bảo học viên phải tham dự đủ số giờ học lý thuyết mới được dự kỳ thi sát hạch cuối cùng. Đồng thời, các hình ảnh của kỳ thi sát hạch sẽ được chiếu trực tiếp tại phòng chờ, công khai với tất cả người thi sát hạch để đảm bảo tính công bằng và tránh gian lận.
Học viên phải tham gia đủ số giờ học lý thuyết mới được dự kỳ sát hạch (Ảnh minh họa: Pinterest)
Như vậy, việc học, thi lấy giấy phép lái xe ô tô trong năm 2020 sẽ có nhiều sự thay đổi, hướng tới việc đào tạo đầy đủ các kiến thức cho học viên trước khi học có bằng và điều khiển xe lưu thông trên đường. Việc này được cho là sẽ phần nào hạn chế được tình trạng tai nạn giao thông xảy ra trên đường do người tham gia không hiểu hết luật và đi sai quy định, gây nguy hiểm cho người khác.
Cũng trong năm 2020, nhiều quy định mới đã được ban hành, yêu cầu người tham gia giao thông đường bộ phải đặc biệt lưu ý thực hiện nếu không muốn bị xử phạt.
Một trong những quy định được nhiều người chú ý là việc xử phạt với cả người ngồi sau xe ô tô.
Cụ thể, với những trường hợp không cài dây an toàn khi lái xe ô tô sẽ bị phạt từ 800.000 - 1 triệu đồng. Trường hợp người ngồi ghế phụ hay ngồi sau xe nếu không thực hiện thắt dây an toàn cũng sẽ bị phạt mức tiền tương tự...>>ĐỌC THÊM
Diệu Linh - Theo Thể Thao & Văn Hóa